SỰ KHÁC BIỆT KHI DÙNG ẤM NẤU NƯỚC BẰNG BẠC

.

Bạc có ký hiệu Ag (từ tiếng Latin: Argentum). Là một kim loại chuyển tiếp màu trắng, mềm, có tính dẫn điện cao nhất trong tất cả các nguyên tố và có độ dẫn nhiệt cao nhất trong tất cả kim loại. Bạc xuất hiện trong tự nhiên ở dạng nguyên chất, như bạc tự sinh, và ở dạng hợp kim với vàng và các kim loại khác. Bạc nguyên chất mềm dẻo dễ chế tác, dễ tạo hình. Bạc là kim loại rất quý có giá trị lâu dài, được sử dụng làm đồng tiền xu (700 năm trước công nguyên), đồ trang sức, chén đũa và các đồ dùng trong ăn uống chủ yếu cho vua chúa gia đình quý tộc (do bạc là một kim loại cực kỳ an toàn, không độc) và việc lưu trữ bạc cũng như một khoản đầu tư. Bạc còn là đơn vị tiền tệ trong xã hội phong kiến Á Đông gọi là ngân lượng hay lượng bạc. Kim loại bạc được dùng trong công nghiệp làm chất dẫn và tiếp xúc, trong gương và trong điện phân của các phản ứng hóa học. Các hợp chất của bạc được dùng trong phim ảnh và bạc nitrat pha loãng được dùng làm chất tẩy khuẩn. Trong nhiều trường hợp bạc được dùng như một chất kháng sinh thay thế an toàn. Trong nha khoa bạc cũng được dùng bọc răng do bạc có tính mềm dẻo dễ uốn cong, an toàn không độc.

Chính vì đặc tính vật lý, hóa học, sinh học, nghệ thuật nên kim loại bạc luôn được mọi người trong tất cả các lĩnh vực dùng đến để nâng thêm tầm cho lĩnh vực của mình. Ví dụ như trong điện tử để chế tạo các mạch điện độ chính xác cao hơn thì phải dùng đến dây dẫn bạc. Trong viễn thông để tạo ra những ăng ten có độ thu phát tốt thì bạc cũng phải được dùng. Trong ăn uống cũng vậy, những bộ dụng cụ bằng bạc luôn làm cho món ăn đẹp mắt và sang trọng hơn.

Trong nghệ thuật trà cũng vậy, những món trà cụ bằng bạc với vẻ ngoài lấp lánh luôn được chú ý tới, nhưng có một dụng cụ luôn được đánh giá rất cao không phải vì vẻ ngoài lung linh lấp lánh của nó mà chính nội lực bên trong của nó đem lại, đó chính là những chiếc ấm nấu nước bằng bạc. Có thể bên ngoài những chiếc ấm nấu nước luôn bị lem luốc và đen đúa bởi khói và lửa đã tạo ra nên không mấy thu hút, nhưng bên trong chúng thì luôn trắng trong tinh khiết (bạc nguyên chất không phản ứng với nước tinh khiết nên luôn giữ được màu trắng bạc khi được dùng để nấu nước). Nước nấu trong ấm bạc sẽ nhanh sôi hơn và nóng nhiều hơn nếu so với các ấm nấu nước bằng chất liệu khác. Ngoài ra thì nước được nấu bằng ấm bạc sẽ mềm hơn, thanh nhẹ hơn và có chút ngọt hơn so với ấm chất liệu khác.

Còn nếu xét về tính nghệ thuật thì các ấm nấu nước bằng bạc luôn được các nghệ nhân dụng công chế tạo, với nhiều hình dáng khác nhau, với nhiều dung tích lớn nhỏ khác nhau, mỗi chiếc ấm làm ra với vẻ đẹp riêng. Ấm nấu nước bằng bạc truyền thống luôn được các nghệ nhân gò hoàn toàn bằng tay, lớp da bên ngoài đã thể hiện điều này, mỗi chiếc ấm bạc có lớp da hoàn toàn khác nhau do đặc trưng của từng loại búa được sử dụng, có khi thì láng mịn có khi lại xù xì thô ráp, có khi bề mặt được khắc thành những hoa văn họa tiết, có khi lại là những bông hoa hoặc một bức thư pháp hoặc là một bài Bát Nhã Tâm Kinh. Với chất liệu bạc vốn mềm dẻo dễ tạo hình nên các nghệ nhân đã không ngừng sáng tạo ra những tác phẩm đúng nghĩa, nên ấm nấu nước bằng bạc ngoài việc làm cho trà ngon hơn thì nó cũng là một trà cụ rất xứng đáng để sưu tầm.

Ấm nấu nước bằng bạc có nhiều kiểu dáng và dung tích khác nhau.

Nếu so với các chất liệu ấm nấu nước khác thì chỉ có duy nhất ấm gang đúc (Tetsubin) là có khả năng so sánh được với ấm bạc. Tuy nhiên cũng dễ dàng thấy được ấm bằng bạc luôn nằm trên một bậc. Thứ nhất: bạc là kim loại quý hơn gang nhiều lần. Thứ hai: bạc được dùng làm ấm luôn phải là bạc nguyên chất (99,99%) nên trơ đối với nước sạch, do đó việc bảo quản ấm bạc cũng rất rất dễ dàng, còn ấm tetsubin thì chất liệu là gang (gang có thành phần chính là sắt 95%, cacbon 2.14% đến 4%, silic 1% đến 3%, và một số nguyên tố khác như photpho, lưu huỳnh, mangan,…) nên dễ bị gỉ sét nếu không bảo quản đúng cách, một khi đã bị gỉ sét rồi thì khi pha trà sẽ ảnh hưởng đến hương vị trà, và việc xử lý các gỉ sét này cũng mất nhiều thời gian. Thứ ba: gang là một hợp chất hóa học nên sẽ khó khăn hơn để chọn được một chiếc ấm gang tốt so với việc chọn một ấm bạc tốt. Thứ tư: ấm nấu nước bằng gang thông thường trọng lượng sẽ nặng hơn ấm bằng bạc rất nhiều (do thân ấm gang được làm bằng hình thức đổ khuôn nên không thể làm mỏng được, khác với ấm bạc được gò bằng tay nên thân ấm có thể làm mỏng nên trọng lượng sẽ nhẹ), nên trong một số trường hợp ấm gang không thật sự tiện dụng bằng ấm bạc.

Tóm lại: Nếu có trà ngon 10 điểm mà nước chỉ có 8 điểm thì nước trà pha ra cũng chỉ được 8 điểm, còn trà 9 điểm nước được 10 điểm thì nước trà pha ra cũng sẽ được 10 điểm. Do đó để có được chén trà ngon đúng nghĩa thì nước và dụng cụ nấu nước cũng phải được người yêu trà tỉ mỉ chọn lựa. Một trong những trà cụ xứng đáng để sưu tầm sau ấm pha trà bằng tử sa và chén trà men long tuyền thì chính là ấm nấu nước, trong đó ấm nấu nước chất liệu bạc luôn là ứng cử viên hàng đầu trong tất cả các loại chất liệu ấm nấu nước khác hiện tại.

Bài viết này thể hiện quan điểm cá nhân sau một thời gian dài uống trà và trải nghiệm thực tế với ấm nấu nước bằng chất liệu bạc. Hôm nay có hứng nên viết ra để mọi người cùng thảo luận và chia sẻ thêm. Trong bài có tham khảo tư liệu về nguyên tố hóa học Bạc và thành phần hóa học của hợp chất Gang trên trang Wikipedia.

Thanh Phú 23/6/2022

Similar Posts

Để lại một bình luận