CHƠI ẤM TỬ SA CẦN CẨN THẬN NHỮNG GÌ?

1. RƠI. Tất nhiên là phải cẩn thận rồi, một cú sảy tay là coi như chiếc ấm sẽ về với đất mẹ. Ấm đã bể hoặc mẻ thì khó có thể phục hồi lại được, có chăng chỉ có thể cứu vớt phần nào chứ không thể hoàn hảo như ban đầu. Do đó người chơi cần phải nâng niêu chiếc ấm của mình, thao tác nhẹ nhàng cẩn trọng, chú ý để xa tầm tay trẻ em. Khi không sử dụng cần phải cất ở nơi an toàn.
 
2. DẦU. Người chơi ấm điều biết rằng, sau một thời gian sử dụng thì chiếc ấm sẽ bóng và đẹp hơn, nhưng sự bóng lên này không phải là do dầu hoặc mỡ bám vào, nó là do cả một quá trình nuôi dưỡng đúng cách. Do đó đừng nghĩ ấm bóng lên là do dầu mỡ bám vào, ngược lại ấm tử sa rất sợ bị bám dầu, ấm bám dầu sẽ bị lốm đốm làm cho chiếc ấm mất đẹp, pha trà cũng không còn ngon, sau này cũng rất khó xử lý sạch. Nên người chơi cần tránh để ấm tử sa gần bếp nấu ăn, tránh xa dầu mỡ, khi tay dính dầu mỡ thì không nên cầm ấm.
 
3. MÙI HƯƠNG. Ấm tử sa hấp thụ mùi rất mạnh, do đó nên hạn chế mùi hương tiếp xúc vào ấm, như nước hoa, nước xịt phòng, tinh dầu. Tránh xa mùi hương sẽ giúp chiếc ấm của bạn cho ra chất trà hương vị thuần khiết.
 
4. CHẤT TẨY RỬA. Rửa ấm bằng chất tẩy rửa là điều tối kỵ với những chiếc ấm tử sa, chỉ nên rửa bình thường dưới vòi nước chảy và để cho ấm khô tự nhiên.
 
5. THAY ĐỔI NHIỆT ĐỘ ĐỘT NGỘT. Ấm tử sa trung bình được nung ở nhiệt độ từ 1050 ~ 1200 độ, nước dùng để pha trà thì trong khoản 70~100 độ, vì vậy trong phần lớn trường hợp thì ấm sẽ co giãn kịp và không có vấn đề gì. Tuy nhiên trong một số trường hợp như thời tiết quá lạnh, cốt ấm dày mỏng không điều thì khi nhiệt độ thay đổi quá đột ngột có thể làm ấm bị nứt vỡ. Do đó khi pha trà cần phải làm ấm chiếc ấm từ từ để tránh rủi ro. Không nên để ấm trong tủ lạnh hoặc làm nóng ấm bằng lò vi sóng.
 
by Thanh Phú

Similar Posts

Trả lời